FOMO là gì? Những cách vượt qua tâm lý FOMO trong crypto
Andy 1 ngày trước
FOMO là gì? FOMO tác động đến quyết định của nhà đầu tư như thế nào? Làm sao để tránh FOMO?

Trong thế giới crypto biến động từng phút, cảm xúc có thể là kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư. Một trong những hiện tượng tâm lý phổ biến nhất chính là FOMO. Khi giá coin tăng chóng mặt, hàng loạt nhà đầu tư vội vã lao vào thị trường mà thiếu sự cân nhắc, dẫn đến những quyết định mua đỉnh, bán đáy và thua lỗ không đáng có. Vậy FOMO là gì, tại sao nó nguy hiểm và làm sao để kiểm soát nó?

FOMO là gì?

FOMO (viết tắt của Fear Of Missing Out) là thuật ngữ để chỉ một hội chứng tâm lý sợ bỏ lỡ. FOMO thể hiện cảm giác lo lắng, bất an xuất phát từ suy nghĩ rằng bản thân có thể bỏ lỡ điều gì đó quan trọng hoặc có giá trị. Điều bỏ lỡ ở đây không chỉ đề cập đến vật chất, mà còn ở những khía cạnh khác như trải nghiệm, cơ hội, tương tác xã hội…

FOMO xuất hiện ở hầu hết các dạng thị trường tài chính như chứng khoán, crypto… thậm chí là các ngành nghề liên quan đến tiếp thị như marketing, sale... Điểm chung là đều tác động vào mặt tâm lý của nhà đầu tư/ người dùng, thường gọi là "bẫy tâm lý" FOMO.

Fomo trading.jpeg
Tâm lý FOMO khi giao dịch

Trong bối cảnh thị trường crypto, FOMO đề cập đến nỗi sợ sẽ bỏ lỡ khoản lợi nhuận có thể kiếm được từ việc mua bán tiền mã hóa. Khi mắc hội chứng FOMO, một số dấu hiệu phổ biến mà nhà đầu tư hoặc nhà giao dịch có thể mắc phải như bị lấn át, thôi thúc bởi cảm giác lo lắng, sợ hãi và tham lam. Dẫn đến việc ra quyết định mua bán một cách hấp tấp mà chưa có chiến lược, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Những đặc điểm nhận biết khi mắc phải hội chứng FOMO

Bạn sẽ nhận thấy số lượng người mắc phải hội chứng FOMO nhiều nhất là vào thời kỳ thị trường uptrend hoặc downtrend. Sau đây là một số biểu hiện để bạn có thể nhận biết người mắc phải hội chứng FOMO

  • Những người này sẽ luôn tồn tại một tâm lý cảm xúc dễ kích động, muốn thực hiện giao dịch ngay lập tức khi họ muốn

  • Luôn nôn nóng trong quá trình đầu tư và giao dịch

  • Luôn có tâm lý muốn nhận được lợi nhuận sớm

  • Thông thường những người này sẽ không có đủ kiến thức để tự đưa ra quyết định đầu tư cho mình. Họ sẽ chờ nghe ngóng thông tin từ các hội nhóm, đặc biệt là luôn hành đồng theo đám đông

  • Không chịu để ra kế hoạch cho mình trước khi tham gia đầu tư

  • FOMO sẽ khiến cho bạn nghĩ đây sẽ là một cơ hội duy nhất đối với bạn, nếu bạn không tham gia ngay bây giờ thì bạn sẽ không có được cơ hội như vậy nữa

  • Không có sự kiên nhẫn để suy nghĩ, phân tích và đưa ra quyết định mà luôn hành động một cách nóng vội

Ví dụ: Giả sử bạn đang không có ý định mua vào bất kỳ đồng coin nào. Khi tham khảo thông tin trên các nhóm cộng đồng đầu tư crypto trên Telegram. Bỗng dưng, bạn nhận thấy nhiều nhóm đang bàn tán về việc hợp tác giữa 1 công ty lớn với dự án A, và token dự án này có khả năng sẽ tăng mạnh.

Lúc này, bạn vào kiểm tra giá của token A và thấy rằng token A tăng liên tục, thậm chí tăng rất nhanh. Ngay bây giờ, bạn sẽ cảm thấy nếu mình không mua token A thì sẽ lỡ mất cơ hội kiếm lợi nhuận. Sau đó, bạn ra quyết định mua token A bất chấp giá của nó đã tăng bao nhiêu phần trăm trước đó đi nữa. Như vậy, có thể nói rằng bạn đã bị FOMO.

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng FOMO

  • Nhà đầu tư chưa có kiến thức về thị trường mà họ đang tham gia. Khi gặp thị trường đi vào giai đoạn uptrend (thị trường tăng trưởng), nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận. Từ đó, khiến cho nhiều nhà đầu tư mới vào thị trường sẽ bị FOMO tham gia vào thị trường mà không có đủ kiến thức. Đến khi thị trường giảm các nhà đầu tư này sẽ rơi vào trạng thái khủng hoảng

  • Tiếp thu một số nguồn tin không chính xác từ việc tham gia vào các trang mạng xã hội, hội nhóm không chất lượng, thông thường các nhà đầu tư mới sẽ tiếp cận thị trường bằng những cách này dẫn đến việc họ có thể tiếp cận những nguồn tin không chính thống hoặc là các nguồn tin từ các cộng đồng lừa đảo. Điều này sẽ dễ dàng khiến họ rất dễ mắc phải hội chứng FOMO

  • Tâm lý chạy theo đám đông, khi thấy các nhà đầu tư khác kéo nhau vào mua thì những người mới cũng ùa nhau mua theo vì sợ bỏ lỡ cơ hội tốt. Đến khi thấy nhiều nhà đầu tư bán thì họ cũng có xu hướng bán ra vì sợ mất tiền. Họ làm điều đó mà không quan tâm đến thật chất thị trường đang như thế nào

  • Không có chiến lược trước khi tham gia đầu tư, những nhà đầu tư mới thường tham gia vào thị trường một cách tự phát, thiếu phương pháp, kế hoạch

  • Tâm lý chủ quan, muốn lợi nhuận nhiều một cách nhanh chóng

  • Không có tính kiên nhẫn, không tin tưởng vào quyết định của bản thân mà chỉ nghe theo đám đông mới dám quyết định

Ai là người tạo FOMO trong crypto?

Người tạo FOMO có thể là các dự án, tổ chức, cá nhân có tầm ảnh hưởng (KOL) trong thị trường crypto để phục vụ cho lợi ích riêng của họ.

Theo đó, FOMO được dùng như một công cụ đẩy giá của đồng token lên cao với mục đích tạo thanh khoản để người tạo FOMO có thể chốt lời. Thông thường, họ sẽ nắm quyền kiểm soát hoặc có ảnh hưởng lớn lên nhiều kênh truyền thông, từ đó gây ảnh hưởng đến hành động của nhiều người nhất có thể.

Cụ thể, thông qua các trang tin tức, mạng xã hội, hội nhóm… những KOL sẽ liên tục đề cập đến đồng token mà họ muốn tạo FOMO theo nhiều cách khác nhau, có thể kể đến như:

  • Nói về tiềm năng lợi nhuận của token.

  • Liên tục đăng hình ảnh khoe lợi nhuận khi của họ đối với đồng token đó, để thôi thúc lòng tham của người khác.

  • Tổ chức sự kiện yêu cầu người khác mua token để được hưởng đặc quyền mà họ cung cấp.

Vì vậy, FOMO có thể là công cụ lợi hại cho các dự án, tổ chức, KOL… nhưng lại có tác động tiêu cực đến những nhà đầu tư, nhà giao dịch vì hậu quả mà nó mang lại.

Hậu quả của FOMO trong crypto là gì?

  • Về mặt tinh thần, FOMO gây ra cảm giác bất an, lo lắng và sợ hãi cho nhà đầu tư và nhà giao dịch. Trong trường hợp tệ hơn, nếu tình trạng này kéo dài có thể gây trầm cảm cho người bị FOMO.

  • Về mặt đưa ra quyết định, FOMO thường dẫn đến những quyết định vô lý và vội vàng trong giao dịch crypto. Điều này dễ khiến người bị FOMO rơi vào tình trạng “đu đỉnh” khi mua token tại giá cao nhất. Chu kỳ tâm lý FOMO liên tục lặp lại sẽ khiến tài sản của họ giảm dần theo thời gian.

  • Cuối cùng, hậu quả lớn hơn là FOMO khiến các nhà đầu tư và nhà giao dịch không còn tin vào nhận định, quyết định của bản thân, vì trước đó đã bị thua lỗ nhiều do bị FOMO. Và một khi họ đã không còn tin vào chính mình mà chỉ dựa vào người khác, khả năng cao tài sản của họ sẽ về 0 một cách nhanh chóng.

4 cách vượt qua tâm lý FOMO khi đầu tư crypto

Trên thực tế, dường như FOMO sẽ không thể nào biến mất, không ai có thể hoàn toàn tránh được tâm lý FOMO khi đầu tư, bất kể họ có kinh nghiệm già dặn đến đâu. Tuy nhiên, một số cách để có thể hạn chế thấp nhất tình trạng bị FOMO như sau:

  • Tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ (thông qua phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản) để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý. Tránh tình trạng hấp tấp, nôn nóng và hành động ngay khi bị “shill” hoặc chỉ dựa trên biến động giá tại một thời điểm.

  • Luôn có kế hoạch giao dịch trước khi vào lệnh. Phải có điểm dừng lỗ (stoploss), điểm vào lệnh (entry), điểm bán ra (target), kế hoạch phân bổ vốn bao nhiêu… trước khi giao dịch.

  • Phải kiên định theo kế hoạch giao dịch của mình. Trong trường hợp cần thay đổi kế hoạch, nhà đầu tư hay nhà giao dịch cũng cần xem xét kết hợp nhiều yếu tố (xu hướng thị trường, biến động giá trong một khoảng thời gian…) để có kế hoạch thay đổi linh hoạt, phù hợp.

  • Hạn chế giao dịch hay đầu tư chạy theo tin tức, sự kiện. Đồng thời, tập quan sát thị trường thật sát để có độ nhạy về thị trường.

Bạn có thể lắng nghe ý kiến của người khác để giúp bản thân có được một cái nhìn toàn diện, nhưng tuyệt đối không được đưa ra quyết định theo ý kiến của người khác, có thể nó tốt với số đông ngoài kia nhưng nó sẽ bất lợi đối với bạn. Hãy thật sự tỉnh táo khi muốn đưa ra một quyết định nào đó đặc biệt là trong thị trường crypto, để có thể đảm bảo an toàn cho chính bản thân và số vốn của bạn.

BTC Bitcoin(BTC)
$2,190.68B
$110,213.89 4.16% 1D